VINACAP KIM LONG

THẮP LẠI NGỌN LỬA KHÁT KHAO CỐNG HIẾN CỦA VNPT

THẮP LẠI NGỌN LỬA KHÁT KHAO CỐNG HIẾN CỦA VNPT

Một lần nữa, ngọn lửa truyền thống “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình” đang được người VNPT thắp lên.

Ngọn lửa tự hào của người VNPT

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, khi mà cả đất nước tưng bừng cờ hoa kỷ niệm 40 năm giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước thì cũng là lúc Bộ Thông tin và Truyền thông thừa ủy quyền của Chủ tịch nước tổ chức lễ truy tặng cho 2 cán bộ ngành bưu chính viễn thông.

Danh hiệu cao quý này thuộc về liệt sỹ liệt sĩ Vũ Đức Ban (hy sinh 1966, nguyên Ủy viên Ban Thông tin liên lạc T.Ư Cục miền Nam) và ông Dương Quang Đông (mất năm 2003, nguyên Thủ trưởng A53 Ban Giao bưu vận T.Ư Cục miền Nam). Họ là những tiền bối của ngành bưu chính, viễn thông đã cống hiến xương máu, công sức góp phần cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam.

Trước đó, năm 8/2013, hai tập thể tiền thân của ngành bưu chính viễn thông là Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam cũng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Trong đoàn quân tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/2975 đã không có mặt hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam, họ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp lớn của tổ quốc. Hàng nghìn cán bộ giao bưu trở về cuộc sống đời thường với thân thể không còn nguyên vẹn.

Họ là hiện thân của một thế hệ cán bộ bưu chính viến thông góp phần viết nên lịch sử của đất nước và người VNPT luôn tự hào về họ. Những chiến công vẻ vang của Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam đã góp phần hun đúc nên truyền thống “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình” của ngành. Tiếp nối truyền thống đó, bước vào thời kỳ Đổi mới, ngành bưu chính viễn thông đã làm nên kỳ tích tăng tốc phát triển, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, xây dựng nên mạng lưới bưu chính viễn thông Việt Nam hiện đại, đồng bộ, ngang tầm thế giới, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận là ngành đi đầu trong sự nghiệp Đổi mới.

Đóng góp vào những bước phát triển mạnh mẽ của ngành BCVT trong thời kỳ Đổi mới, CNH-HĐH đất nước không thể không nhắc đến vai trò đi đầu của VNPT – doanh nghiệp chủ lực của đất nước trong lĩnh vực VT-CNTT. Qua hai giai đoạn tăng tốc độ phát triển (1993 – 1995 và 1996 – 2000) và giai đoạn hội nhập phát triển từ 2001 đến nay, cơ sở hạ tầng của bưu chính viễn thông Việt Nam đã được hiện đại hóa, phát triển vượt bậc với những đóng góp nền móng quan trọng của VNPT. Với những nỗ lực và đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Năm 2009, VNPT đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Vượt qua chính mình

Từ những năm đổi mới đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, VNPT luôn là lá cờ đầu của ngành bưu chính viễn thông, giữ vị trí số 1 trên thị trường. Nhưng khi VNPT đang trên đỉnh cao chiến thắng một đối thủ là Viettel đã vươn lên mạnh mẽ và những năm gần đây đã vượt qua VNPT.

Nguyên nhân khiến VNPT thụt lùi so với Viettel được chỉ ra là do hoàn cảnh khách quan như cơ chế, chính sách bó buộc, mô hình tổ chức hoạt động lạc hậu, bộ máy cồng kềnh ngày càng kém hiệu quả…thì một điểm yếu được thẳng thắn nhìn nhận đó là dường như ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê, sáng tạo của người VNPT không còn rực cháy như ngày xưa nữa dù sự nghĩa tình, thủy chung vẫn thắm đượm ở VNPT.

Cơ chế thị trường trong thời kỳ mở cửa cho viễn thông công nghệ thông tin đã diễn ra các cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Cơ hội không còn chỉ dành riêng cho VNPT và thách thức thì còn lớn hơn các đối thủ. Điều đó đặt ra yêu cầu tái cấu trúc, yêu cầu đổi mới mô hình hoạt động của VNPT.

Từ những năm 2010, khi VNPT có dấu hiệu bắt đầu “đuối sức” so với các đối thủ khác, VNPT đã thử nghiệm mô hình quản trị mới tại TP.HCM. Công cụ được lựa chọn để thử nghiệm là “Thẻ cân bằng điểm – BSC” và hệ thống lương 3Ps được tính theo: vị trí công việc, năng lực nhân viên và hiệu quả công việc.

Mục tiêu của tái cấu trúc VNPT ngoài tìm kiếm mô hình hoạt động, mô hình quản trị hiện đại hiệu quả còn là tái cấu trúc lại con người. Nôm na là làm sao để mỗi cán bộ, nhân viên VNPT phải làm mới lại mình, phải thực sự thay đổi, lấy hiệu quả công việc để đánh giá năng lực.

Nhân viên VNPT đã chủ động tìm kiếm khách hàng tìm kiếm khách hàng mọi lúc, mọi nơi

Thông điệp được truyền tải rõ ràng rằng trong thời gian tới sẽ không còn cảnh “ngồi nhầm ghế, hưởng nhầm lương”, không còn hưởng lương theo kiểu cào bằng, thâm niên, không còn cảnh 1 việc 3-4 người làm.

Cho đến khi áp dụng giai đoạn 1 quá trình tái cấu trúc VNPT tại 63 tỉnh thành, chỉ trong vòng 1 năm, gần như các mục tiêu đã hoàn thành: VNPT đã áp dụng phương pháp quản trị mới, hiện đại, hiệu quả và bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động mới, 17.000 lao động đã chuyển sang khối kinh doanh, các yêu cầu về thoái vốn khỏi 63 công ty liên kết, ngoài ngành được thực hiện quyết liệt, việc thành lập 3 tổng công ty trực thuộc được tiến hành nhanh chóng, đúng yêu cầu, lộ trình đặt ra…Nhưng thành công nhất chính là tư tưởng, thái độ làm việc chuyển biến tích cực của hơn 36.000 cán bộ nhân viên VNPT.

Điều đó có thể thấy rõ trong câu chuyện của chị Phạm Thị Bích Châu, Cửa hàng trưởng Cửa hàng giao dịch 80 Nguyễn Du của VNPT TP.HCM khi chị có thể nói vanh vách số liệu kinh doanh hàng ngày, hàng tháng, doanh thu từ nhân viên, các sản phẩm bán chạy.

Có thể thấy rõ được chuyện cô nhân viên Trần Thúy Hằng, từ nhân viên bán hàng mỗi internet nay tăng doanh thu gấp 2-3 lần bằng việc nắm rõ, có phương pháp bán hàng, tiếp cận khách hàng để bán tất cả các sản phẩm, dịch vụ như MyTV, mua iPhone, dùng sim VinaPhone, nhờ khách hàng giới thiệu khách hàng mới…

Điều đó có thể thấy rõ ở các nhân viên địa bàn ở Tiền Giang vào ngày nghỉ cuối tuần vẫn theo những chuyến ghe tiếp thị, bán sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, là anh công nhân hạ tầng không quản ngại trời nắng như đổ lửa vẫn gạt mồ hôi kéo cáp để khách hàng kịp khai trương công ty…

Có thể thấy rằng, đã lâu lắm rồi, người ta mới thấy một không khí làm việc hừng hực khí thế tại nhiều VNPT các tỉnh thành. Người lao động VNPT hôm nay không còn chờ việc mà chủ động tìm việc, xin việc để làm, không còn chờ khách hàng tìm đến mà đã chủ động tìm kiếm khách hàng.

Ở góc độ Tập đoàn, VNPT đang có sự chuyển hướng chiến lược khi biến CNTT thành dịch vụ mũi nhọn. Từ năm 2013, Tập đoàn đã triển khai ký kết hợp tác chiến lược về viễn thông, công nghệ thông tin với với chính quyền các địa phương và các Bộ ngành trung ương như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Dân tộc, với một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank…Đã có hơn 40 hợp đồng Hợp tác chiến lược giữa VNPT với các Bộ ngành, tỉnh thành trên cả nước.

Nội dung chính của các chương trình hợp tác chiến lược này là Tập đoàn sẽ hỗ trợ chính quyền các địa phương trong việc xây dựng hạ tầng VT-CNTT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng giải pháp tổng thể và đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT.  VNPT đã có những bước đi đầu tiên cụ thể hóa chiến lược “tấn công” tổng thể vào thị trường CNTT bên cạnh việc phát huy và giữ vững lĩnh vực kinh doanh truyền thống của VNPT, tạo tiền đề phát triển lĩnh vực kinh doanh mới. Mục tiêu đặt ra với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ CNTT của Tập đoàn là doanh thu từ dịch vụ này sẽ chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của VNPT trong tương lai.

Năng động hơn, sáng tạo hơn, khát khao hơn!

VNPT đang đứng trước những khó khăn, thách thức lịch sử. Quá khứ đang thúc giục, tương lai đang vẫy gọi mỗi người VNPT phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để tiếp nối truyền thống hào hùng, tiếp nối ngọn lửa đam mê cống hiến cho đất nước trong giai đoạn mới.

Nhưng VNPT cũng đang có nhiều thuận lợi khi quá trình tái cấu trúc của VNPT được Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt ủng hộ, Lãnh đạo và cán bộ VNPT đồng lòng hướng tới mục tiêu  lớn là trở lại vị trí số 1 năm xưa.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV chia sẻ, khát vọng lớn nhất của ông là đưa VNPT trở lại ngôi vị số 1 của Việt Nam không chỉ về thị phần mà còn ở hình ảnh, thương hiệu. Ngoài ra, việc chuyển hướng không chỉ tập trung trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông mà chuyển sang cả lĩnh vực CNTT, trở thành đơn vị chủ lực ở các địa bàn, đó là mục tiêu lớn, là cuộc cuộc cách mạng nữa đối với cả Tập đoàn.

Còn ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT cho biết, thời gian qua, VNPT đã có nhiều khởi sắc về tăng trưởng và sự tăng trưởng này khá bền vững. Điều này cho thấy việc tái cơ cấu đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, so với thành tích trong quá khứ và đối thủ thì kết quả vẫn khá khiêm tốn.

“Tôi thấy rằng đâu đó trong VNPT vẫn có những con người tự hài lòng với kết quả này, có những người hoài nghi với kết quả tăng trưởng này sẽ không thể tăng trưởng được nữa. Phải chăng những con người đó không còn khát vọng so với những thế hệ đi trước – những người mang khát vọng phá thế cấm vận, làm cuộc cách mạng đi thẳng số hóa. Phải chăng những con người đó sống quá lâu với hào quang quá khứ, ngại thay đổi. Trong thách thức hiện nay thì mỗi con người VNPT phải thay đổi và phải có khát vọng”, ông Long tâm sự.

VNPT đứng trước thời khắc lịch sử là phải đổi mới, tái cơ cấu và phải có bước đột phá trong tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, tăng thu nhập của người lao động.

“Tôi muốn làm bùng lên ngọn lửa khát vọng của con người VNPT. Khát vọng làm thế nào để khai phá thị trường dịch vụ công nghệ thông tin được đánh giá là có nhiều tiềm năng và khát vọng đưa VNPT trở lại ngôi vị số 1 Việt Nam và vươn ra thế giới”, ông Long nhấn mạnh.

News in the same category