VINACAP KIM LONG

“BÁT NHÁO” CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ INTERNET

“BÁT NHÁO” CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ INTERNET

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ và ứng dụng trên mạng Internet, nhu cầu dùng Internet dung lượng cao của người dân ngày càng tăng. Nắm bắt cơ hội đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đã đồng loạt triển khai nhiều chiến dịch quảng bá rầm rộ, nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng. Tuy nhiên, lượng khách hàng ngày càng tăng, nhưng cơ sở hạ tầng và nhân lực không được phát triển đồng bộ, khiến chất lượng dịch vụ của một số ISP ngày càng xuống cấp, gây mất lòng tin nghiêm trọng nơi khách hàng.

Nghịch lí lượng và chất

Khi các trò chơi dung lượng lớn, phim ảnh giải trí, hình ảnh siêu nét,… được cung cấp trên Internet, đòi hỏi người dùng buộc phải có tốc độ kết nối cao và ổn định, vì vậy, không khó hiểu khi các “tín đồ” đón nhận dịch vụ cáp quang Internet rất hồ hởi, bởi tốc độ truy cập của cáp quang cao gấp nhiều lần so với dịch vụ băng thông rộng ADSL; đồng thời độ ổn định trong tốc độ truyền dẫn sẽ bảo đảm cho người dùng sử dụng các ứng dụng một cách hoàn hảo.

Nắm chắc tâm lí và nhận định Internet cáp quang chính là thị trường đầy tiềm năng trong tương lai, hầu hết các ISP của Việt Nam đều lao vào “cuộc chiến” nhằm chiếm lĩnh thị phần trên mảnh đất màu mỡ này. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel mở màn “cuộc đua” Internet cáp quang giá rẻ với gói khuyến mại có giá cước hơn 200 nghìn đồng/tháng, tốc độ tải xuống lên đến 12 Mbps/giây. Thời gian ngắn sau, các ISP còn lại liên tục tung ra các gói khuyến mại tương tự như nâng cấp miễn phí từ cáp đồng lên cáp quang hay đóng phí theo gói 6 đến 12 tháng trước để hưởng giá cước rẻ hơn,…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các ISP chỉ chăm chăm tung ra khuyến mãi để mở rộng mạng lưới khách hàng, trong khi không màng đến việc phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân viên, khiến chất lượng dịch vụ của nhiều ISP bị xuống cấp nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Tuấn Minh, chủ một cửa hàng kinh doanh trên phố Trần Đăng Ninh (Hà Nội) chia sẻ: Vì có nhu cầu sử dụng nhiều nên tôi đăng kí chọn gói cước Internet cáp quang Fiber Family của một ISP, với tốc độ 20 Mbps/giây và giá cước 410 nghìn đồng/tháng. Trong quá trình sử dụng, tôi thấy quá thất vọng với chất lượng của nhà mạng này bởi trong hợp đồng được cam kết tốc độ tối đa như vậy, nhưng trên thực tế để mở một trang báo mạng đôi lúc còn phải chờ, chưa nói đến việc xem một bộ phim trên mạng. Tình trạng rớt mạng, chập chờn lúc có lúc không cũng là chuyện như cơm bữa,…

Theo anh Lê Nhật Anh, Phó trưởng phòng kĩ thuật của một công ty viễn thông, có rất nhiều lí do dẫn đến kết nối Internet bị chậm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới vô số lời than phiền hiện nay của khách hàng chính là sự yếu kém trong hệ thống hạ tầng của nhiều ISP.

Được biết, chi phí đầu tư phát triển cho hạ tầng dịch vụ Internet cáp quang hết sức tốn kém. Ngoại trừ một số nhà mạng lớn có tiềm lực thực hiện chiến lược đầu tư hạ tầng dài hạn, còn hầu hết các ISP khác đều thực hiện chính sách đầu tư từng phần, nghĩa là phát triển khách hàng đến đâu thì kéo cáp đến đó; hoặc thuê lại hạ tầng của các ISP khác để phát triển dịch vụ.

Vì vậy, khi lượng khách hàng tăng nhanh, trong lúc hạ tầng không bắt kịp, sẽ khiến cho tốc độ Internet nhiều nơi thiếu ổn định. Hãy hình dung một con đường chỉ vừa cho 100 ô-tô đi, nay được sử dụng cho 200 đến 300 ô-tô thì việc tắc nghẽn là điều dễ hiểu. Theo đánh giá hiện nay, VNPT là đơn vị có hệ thống hạ tầng viễn thông mạnh và rộng khắp nhất hiện nay, chiếm lĩnh gần 60% thị phần dịch vụ Internet băng rộng cố định.

FPT và Viettel cũng là hai ISP chịu “mạnh tay” trong việc đầu tư hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực Internet cáp quang. Tuy nhiên, đến cả các “ông lớn” này vẫn còn nhận được rất nhiều phàn nàn từ phía khách hàng, thì với các ISP nhỏ hơn, với hệ thống hạ tầng thiếu đầy đủ, hoặc đi thuê lại, sẽ làm thế nào để bảo đảm được chất lượng dịch vụ mà họ đang bán cho khách hàng? Nhất là khi các tuyến cáp quang Internet quốc tế hiện nay của Việt Nam hầu hết đều nằm trong tay các “ông lớn”, các ISP nhỏ chỉ có thể thuê lại cổng để triển khai dịch vụ kết nối quốc tế của mình; và như thế, việc thiếu chủ động trong kiểm soát chất lượng đường truyền là khó tránh khỏi. Vậy phải chăng, những cam kết “bay bướm” của họ với khách hàng khi quảng cáo dịch vụ cũng chỉ là những lời “hứa suông”?

Bỏ qua lợi ích khách hàng

Chất lượng dịch vụ kém không chỉ gây bức xúc cho người sử dụng Internet, mà còn là nguy cơ “chết người” đối với các ISP. Theo một báo cáo của Công ty nghiên cứu, phân tích thị trường Ô-vum (Anh), dựa trên kết quả khảo sát được tiến hành với khoảng 15 nghìn người sử dụng và gần 3.000 khách hàng doanh nghiệp trên 25 thị trường cho thấy, nguyên nhân chủ yếu khiến khách hàng chuyển mạng là do chất lượng truy nhập Internet kém.

Điều này chứng tỏ, nếu các ISP Việt Nam vẫn tiếp tục các chính sách “ăn xổi” như hiện nay, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, hậu quả họ đón nhận chính là sự thất bại. Chỉ những ISP có tầm nhìn và chiến lược, biết phát triển một cách hợp lí và đồng bộ cả về chất lượng dịch vụ lẫn mạng lưới, doanh nghiệp đó mới có thể tiếp tục phát triển bền vững.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Viễn thông là ngành luôn có sự đổi mới nhanh chóng về công nghệ, nên nếu chúng ta có dự báo chính xác, có giải pháp kịp thời, đi trước đón đầu thì chắc chắn sẽ đạt được thành công to lớn. Trước đây, chúng ta đã rất mạnh dạn và thành công trong công cuộc số hóa và mở cửa thị trường Internet thì giờ đây, với Internet băng thông rộng và cáp quang, cần có bước đi chủ động hơn nữa”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi phát triển, đổi mới ngoạn mục, các ISP đang tỏ ra thiếu chủ động và ngày càng làm mất niềm tin của khách hàng. Internet là dịch vụ viễn thông nằm trong danh mục bắt buộc quản lí chất lượng, nhưng với dịch vụ mới như Internet cáp quang thì cho đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể trong việc kiểm tra, quản lí chất lượng.

Trưởng phòng Chất lượng (Cục Viễn thông – Bộ TT&TT) Nguyễn Quý Hiếu cho biết: Vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành Quy chuẩn kĩ thuật Quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất (QCVN 34:2014/BTT&TT). Theo đó, đưa ra những quy chuẩn về kĩ thuật mà doanh nghiệp viễn thông bắt buộc phải tuân theo, trong đó có quy chuẩn về tốc độ tối thiểu cho các dịch vụ Internet. Bất kì ISP nào vi phạm các quy chuẩn đó, sẽ bị xử phạt theo đúng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông; đồng thời thông tin sai phạm sẽ được công bố rộng rãi, công khai đến người dân. Song, Quy chuẩn này phải đến ngày 1/4/2015 mới có hiệu lực.

Hi vọng rằng, những biện pháp quyết liệt của Bộ TT&TT sẽ là “cây gậy” góp phần tích cực chấn chỉnh thị trường Internet, hướng tới sự phát triển bền vững hơn.

Theo Nhandan.

Tin cùng chuyên mục